Tin tức

Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến 2020, định hướng 2030

Từ nay đến năm 2020, thực hiện tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính.

Ngày 4 tháng 3 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 318/QĐ-TTg (Chiến lược).

Theo Chiến lược, các doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam sẽ được phát triển với định hướng áp dụng mô hình quản trị tiên tiến, hiệu quả kinh doanh cao, có sức cạnh tranh, làm chủ thị trường vận tải trong nước, chiếm vai trò quan trọng trong vận tải xuất, nhập khẩu hàng hóa, từng bước vươn ra đầu tư kinh doanh có hiệu quả trên thị trường vận tải quốc tế.

Từ nay đến năm 2020, thực hiện tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính; thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 54,4%; đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%. Thị phần vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 93,2%; đường sắt 3,4%. Đến năm 2030, thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh bằng đường bộ khoảng 51,2%; đường sắt 7,9%; đường thủy nội địa 30,9%, thị phần vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ khoảng 92,0%; đường sắt 4,7%.

Phát triển thị trường vận tải, Chiến lược xác định:

- Hoàn thành tái cơ cấu doanh nghiệp vận tải nhà nước theo hướng đẩy mạnh cổ phần hoá, giảm thiểu sốlượng và tỷ lệ sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp vận tải, trừ trường hợp tại các đơn vị kinh doanh vận tải đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.

- Tách biệt kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt với kinh doanh vận tải thành các doanh nghiệp độc lập, khẩn trương cổ phần hoá các doanh nghiệp vận tải và cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt.

- Hình thành một số doanh nghiệp vận tải hàng hoá đa phương thức có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải hoàn chỉnh đường bộ - đường sắt - đường biển hoặc đường bộ - đường thuỷ - đường biển, đường bộ - đường hàng không; tăng cường kết nối dịch vụ vận tải giữa các phương thức thông qua việc kết nối hoạt động phân phối dịch vụ, đặc biệt ưu tiên phát triển mô hình bán vé liên thông giữa các phương thức vận tải hành khách.

Giải pháp, chính sách thực hiện Chiến lược bao gồm:

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thể chế về vận tải.

2. Tái cơ cấu và điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông: gia tăng và tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng các công trình kết cấu hạ tầng cho dịch vụ hỗ trợ vận tải.

3. Xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ vận tải: hoàn thiện cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho hoạt động đầu tư phát triển vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải hành khách công cộng, vận tải hàng hoá khối lượng lớn trên các hành lang chủ yếu…

4. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải: Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt, theo hướng tách chức năng quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Nâng cao vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp vận tải trong công tác quản lý chất lượng và an toàn giao thông của hoạt động vận tải; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực vận tải.

5. Phát triển nguồn nhân lực trong quản lý và kinh doanh vận tải.

6. Tăng cường quản lý điều kiện bảo đảm an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải: hoàn thiện các quy định về điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh cho các đơn vị kinh doanh vận tải; bổ sung các loại hình dịch vụ vận tải vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bổ sung quy định về trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý và kinh doanh vận tải: có chính sách khuyến khích các hãng vận tải lớn trên thế giới đầu tư thành lập doanh nghiệp, chi nhánh và thiết lập các đầu mối vận tải trung chuyển quốc tế tại Việt Nam; có cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cung ứng dịch vụ vận tải và thiết lập mạng lưới phân phối hàng hoá ở nước ngoài.

Ban hành kèm theo Quyết định là các phụ lục về Mục tiêu cụ thể từng loại hình vận tải (đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không), Khối lượng vận tải hàng hóa năm 2030, Khối lượng vận tải hành khách năm 2020 và năm 2030.