Tin tức

Phát triển vận tải container đường thủy nội địa giải pháp góp phần giảm ách tắc đường bộ

hát triển vận tải container đường thủy nội địa giải pháp góp phần giảm ách tắc đường bộ

Tóm tắt: Bài toán ATGT cần phải được giải trên nhiều lĩnh vực. Khâu then chốt là phải điều hòa, giảm được mật độ giao thông trên đường bộ, trong đó lượng xe container chạy quanh các đô thị, các trục quốc lộ chiếm một số lượng lớn. Hàng năm có cả chục triệu TEU container xuất, nhập thông qua các cảng biển Việt Nam, riêng khu vực TP. Hồ Chí Minh đã là 5,3 triệu Teu. Nếu dùng vận tải thủy nội địa, sà lan chuyên chở một số lượng nhất định container thì sẽ giảm đi được hàng triệu chuyến xe trên đường.

Bài tham luận sẽ đi sâu phân tích quá trình hình thành mô hình vận tải container đường thủy nội địa; thực tế về hoạt động vận tải container đường thủy nội địa khu vực tp. Hồ chí minh và đồng bằng sông cửu long. Trên cơ sở nghiên cứu các quy hoạch tổng thể định hướng về vận tải thủy nội địa và quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thủy nội địa và theo phân tích thực tế để đưa ra một số kiến nghị cụ thể.

1. THỰC TẾ VỀ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI CONTAINER ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA KHU VỰC TP. HỒ CHÍ MINH VÀ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

1.1. Sự xuất hiện của xe chở container tại Việt Nam

Phat trien van tai container duong thuy noi dia giai phap gop phan giam ach tac duong bo - Anh 1

Trước năm 1990, trên đường bộ Việt Nam hầu như không thấy các xe ô tô chở container. 25 năm sau, xe chở container xuất hiện ở khắp mọi tuyến đường bộ trên cả nước, từ các vùng biên giới, cửa khẩu phía Bắc - Trung Quốc đến tận vùng biên giới phía Tây Nam - Campuchia. Có thể nói, cứ chỗ nào có nhà máy sản xuất hàng hóa và chỗ nào có đường bộ là thấy có xe chở container.

Container thâm nhập vào Việt Nam như thế nào là một câu chuyện có rất nhiều kịch tính. Ngày 10/01/1989, Công ty Liên doanh Gemartrans (giữa Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Pháp) tổ chức chạy chuyến tàu biển chở container đầu tiên chuyên tuyến hàng tuần từ TP. Hồ Chí Minh đi Singapore. Sự kiện này đánh dấu một phương thức vận tải hàng hóa tiên tiến trên thế giới đã chính thức hoạt động tại Việt Nam.

Sau 25 năm, ngành vận tải container đã góp phần làm thay đổi khá nhiều ngành công nghiệp, vận tải và kinh tế của Việt Nam. Bắt đầu từ những năm đầu thập niên 90, nhờ chính sách mở cửa Việt Nam dẫn đến lượng hàng hóa nhu cầu xuất, nhập khẩu tăng cao, khiến các hãng tàu hàng đầu thế giới đưa tàu container vào Việt Nam.

Do đặc điểm của tàu chuyên tuyến container là vào cảng chỉ 1 ngày, thậm chí dưới 24h, yêu cầu phải dỡ hàng giải phóng tàu nhanh, từ đó nảy sinh ra các bến cảng container chuyên dụng và cần rất nhiều xe tải có thể chở container từ tàu, cảng tới các kho, nhà máy, nơi tiêu thụ hàng hóa. Những năm 90, mỗi tuần chỉ có vài ba chuyến tàu container đến và đi tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2015, mỗi tuần có tới hơn 50 chuyến chạy đều đặn theo lịch cố định. Từ mức cước vận tải 800 - 1.200 USD cho 1 container đi Singapore, nay chỉ còn chưa tới 100 USD, chi phí vận tải đã giảm đi gần 10 lần.

Chính sự phát triển này đã kéo theo nhu cầu vận tải container đường bộ ngày càng cao. Cho đến nay, hàng trăm công ty vận tải container đã ra đời, ngay mới đây còn có nhiều chuyến tàu nhập đầu kéo xe container vào Việt Nam. Có địa phương tại miền Bắc, mô hình kinh doanh xe container đã phổ biến tới mức nhiều gia đình đã tự mua xe container và gia nhập đội ngũ vận tải. Tại phía Nam, hình ảnh hàng đàn xe container dài trên các trục đường vào Cát Lái, Xa lộ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh đã gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội và người tham gia giao thông